Ngân hàng tế bào gốc dây rốn đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 15/2, MekoStem - ngân hàng tế bào gốc dây rốn đầu tiên tại Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Đây là cơ hội để các gia đình có thể gửi cuống rốn của con mình ở một ngân hàng tế bào và từ những cuống rốn này, có thể phân lập thành tế bào

PV Báo GĐ&XH có cuộc phỏng vấn TS.BS Lê Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Khoa Miễn dịch học, Học viện Quân Y, người phụ trách kỹ thuật của MekoStem xung quanh vấn đề này.

Dây rốn là nguồn tế bào gốc lý tưởng!

Ông có thể cho biết tế bào gốc (TBG) là gì và khả năng chữa bệnh bằng TBG?

TS.BS Lê Văn Đông

- TBG là tế bào có khả năng biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác, để thay thế cho các tế bào bị mất đi do già hay do chấn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, TBG đã được sử dụng thành công để chữa một số bệnh ở người như suy tuỷ, ung thư máu và có nhiều hứa hẹn dùng để chữa được rất nhiều bệnh nan y như tiểu đường, liệt do chấn tương tuỷ sống, một số bệnh ung thư và bệnh lý về gene.

Có bao nhiêu loại TBG và tại sao nói dây rốn là nguồn TBG lý tưởng thưa ông?

- Các TBG có thể lấy ra từ phôi, thai, dịch ối, dây rốn, nhau thai, các mô khác của người sau sinh cho đến người trưởng thành. Trong số các nguồn cung cấp TBG nói trên, việc lấy TBG từ phôi thai, dịch ối trước khi sinh có liên quan đến huỷ phôi, nạo phá thai, can thiệp chọc dịch ối là những việc làm liên quan đến các lo ngại về đạo đức và ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi. Việc lấy TBG từ các mô ở người trưởng thành như tuỷ xương, máu ngoại vi, nang lông có những khó khăn về kỹ thuật và hạn chế về số lượng tế bào vì chúng tương đối già hơn so với các tế bào gốc lấy từ phôi và thai. Trong khi đó dây rốn có chứa nhiều loại TBG cả trong máu dây rốn và màng bao dây rốn với số lượng phong phú. Việc thu thập dây rốn không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của cả mẹ và em bé - vì thực tế dây rốn vẫn thường được bỏ đi sau khi sinh. Vì thế, dây rốn là một nguồn cung cấp TBG lý tưởng.

Tế bào gốc có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: C.H

Hiến cuống rốn cũng giống như hiến máu nhân đạo

Nhưng hiện nay, Ngân hàng TBG chỉ có ở TP Hồ Chí Minh, vậy những gia đình ở các địa phương khác làm thế nào để đăng ký dịch vụ này?

- Các gia đình ở Hà Nội có thể đăng ký dịch vụ này, vì chúng tôi đã có mạng lưới thu thập dây rốn và chuyển bằng đường máy bay vào TP Hồ Chí Minh.

Ông có thể cho biết hoạt động của Ngân hàng MekoStem là như thế nào?

- Ngân hàng sẽ nhận các mẫu dây rốn từ hai nhóm đối tượng để tách và bảo quản tế bào. Nhóm thứ nhất là những dây rốn do các bà mẹ tình nguyện hiến dây rốn của con mình để hình thành ngân hàng TBG công cộng dùng để điều trị cho bất kỳ bệnh nhân nào trong cộng đồng có các chỉ tiêu xét nghiệm phù hợp. Nhóm thứ hai là những dây rốn do bố mẹ các em bé mới sinh có nhu cầu lưu giữ riêng cho họ, hình thành ngân hàng TBG tư, bao gồm các mẫu tế bào gốc được lưu giữ theo yêu cầu. Nhóm này sẽ phải trả các chi phí thu thập, xét nghiệm phân tích, xử lý dây rốn và bảo quản TBG. Ngân hàng TBG MekoStem hoạt động vì mục đích nhân đạo phục vụ việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy và chữa bệnh không vì mục đích thương mại.

Ai có thể tham gia dịch vụ này và kinh phí cho việc cất giữ TBG dây rốn là bao nhiêu, thưa ông?

Tế bào gốc lấy từ dây rốn của trẻ sau sinh, được nuôi cấy, cất giữ tại ngân hàng sẽ bảo đảm trong tương lai nếu em bé đó không may bị bệnh cần phải dùng TBG để chữa. Việc thu thập dây rốn cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé vì thực tế dây rốn vẫn thường được bỏ đi sau khi sinh. Tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam, TBG đã chữa thành công cho người mắc bệnh suy tủy, ung thư máu. Theo các nhà khoa học, việc nuôi cấy TBG còn có thể chữa được chứng tiểu đường, bệnh ung thư.

- Mọi trường hợp sinh ra nếu có các chỉ tiêu xét nghiệm đủ điều kiện đều có thể tham gia vào dịch vụ này. Những người có điều kiện kinh tế có thể tham gia dịch vụ bảo quản TBG theo yêu cầu để được toàn quyền sử dụng các TBG ấy cho con em mình hoặc người thân trong gia đình. Kinh phí cho một ca thu thập dây rốn, phân tích xét nghiệm và xử lý tách tế bào từ một dây rốn hết khoảng từ 800 đến 2.500 USD (tương đương 13 đến 40 triệu đồng) tùy theo số loại tế bào muốn cất giữ và thời gian yêu cầu lưu giữ.

Với số tiền khá lớn như vậy người nghèo sẽ khó có cơ hộ để hưởng lợi từ ngân hàng này?

- Những người không có điều kiện kinh tế vẫn có thể tham gia và hưởng lợi ích từ chương trình này bằng cách hiến dây rốn để xây dựng một ngân hàng TBG công. Biết đâu người không có điều kiện kinh tế hôm nay hiến dây rốn, nhưng một vài năm sau không may bị bệnh cần có TBG để chữa thì mẫu TBG ấy vẫn còn nguyên trong ngân hàng. Hơn nữa, kể cả khi mẫu TBG ấy đã được dùng cho ai đó rồi thì bản thân người đó vẫn được Ngân hàng tế bào gốc tìm kiếm mẫu TBG của người khác gần phù hợp với mình nhất để chữa bệnh. Giống như chúng ta đi hiến máu hiện nay vậy. Đây chính là ý nghĩa nhân đạo và ý nghĩa xã hội của việc thành lập ngân hàng TBG dây rốn. Một dịch vụ bảo đảm sức khoẻ hiện đại cho nhiều đối tượng dân chúng đang được đưa vào phục vụ cộng đồng ở nước ta.

Ngân hàng MekoStem sẽ cung cấp miễn phí cho 3 cháu bé là bệnh nhân đầu tiên đến với ngân hàng tế bào gốc.

- Xin cảm ơn ông!

Hoài Nam (thực hiện)